Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 1331/QĐ-BYT ngày 10/3/2023 về ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2023.
Theo nhận định của Bộ Y tế, năm 2023, tình hình dịch bệnh được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến khó lường trong thời gian tới. Ngày 27/01/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông tin số tử vong hàng tuần trên toàn cầu đã tăng trở lại từ tháng 12/2022. 2 tháng qua, thế giới có hơn 170.000 ca tử vong và ước tính số thực tế còn cao hơn nhiều. WHO đánh giá và nhận định dịch COVID-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế với mức độ nguy cơ cao trong bối cảnh đáp ứng khác nhau giữa các quốc gia. Cùng với đó, các tác nhân gây bệnh, các chủng vi rút cúm xuất hiện, biến đổi liên tục làm giảm khả năng bảo vệ của vắc xin nên luôn tiềm ẩn nguy cơ đại dịch.
Trong nước, tình hình dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao do hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại, cùng với thời tiết thay đổi bất thường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Qua 3 năm dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng chưa đạt như mong muốn; số trẻ em chưa tiêm chủng còn cao, khả năng miễn dịch giảm, các dịch bệnh dự phòng bằng vắc xin có nguy cơ gia tăng. Sốt xuất huyết cũng có khả năng gia tăng với dự báo mùa mưa đến sớm, lượng mưa tăng cao và nguy cơ xâm nhập của týp vi rút; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, lây lan trong nước.
Với nhận định trên, Bộ Y tế đã đưa ra một số mục tiêu cụ thể nhằm giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình năm giai đoạn 2016-2020; khống chế kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.
Cụ thể, năm 2023 sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự án Luật Phòng bệnh (bao gồm các nội dung về Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm) đảm bảo tiến độ theo chương trình của Quốc hội; ban hành Thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do Trạm y tế tuyến xã thực hiện; xây dựng, ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 cùa Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm và Thông tư thay thế Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
Cập nhật, hoàn thiện, ban hành phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật: Hướng dẫn giám sát COVID-19; hướng dẫn giám sát và phòng chống các bệnh: sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ; hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác theo quy định; hướng dẫn phân vùng dịch tễ các bệnh do ký sinh trùng thường gặp; hướng dẫn giám sát dựa vào sự kiện; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm.
Duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt > 95% quy mô cấp xã; 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời; 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, phát hiện sớm và kịp thời xử lý các trường hợp mắc bệnh theo quy định, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan; 100% cán bộ làm công tác thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm; 100% nhân viên y tế làm việc tại các khoa khám bệnh, khoa nội, truyền nhiễm được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị.
Nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra, Bộ Y tế đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm trong Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2023.
Đó là, tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và chỉ đạo điều hành; đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật Phòng bệnh theo kế hoạch; đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm từ Trung ương đến địa phương, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức để đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Tiếp tục bám sát, cập nhật diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới; kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản điều chỉnh, quy định, hướng dẫn, chỉ đạo đôn đốc các đơn vị, địa phương trong công tác phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; ban hành và triển khai Phương án bảo đảm công tác y tế với các tình huống có thể xảy ra của dịch bao gồm tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống công bố dịch kết thúc khi WHO có khuyến cáo.
Theo dõi, chỉ đạo các địa phương, đơn vị đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; thúc đẩy việc triển khai nghiên cứu, sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị. Kiện toàn lực lượng phòng chống dịch đảm bảo đủ nhân lực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách thu hút cán bộ; tổ chức hướng dẫn, triển khai Nghị định số 05/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Tiếp tục thúc đẩy đầu tư trong nghiên cứu, sản xuất, cung ứng thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, tiến tới tự chủ về công nghệ sản xuất và chuẩn bị sẵn sàng khi xảy ra các tình huống của dịch bệnh.
Tăng cường phối hợp giữa Bộ Y tế với các bộ, ban, ngành, địa phương để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Chương trình phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ./.
Nguồn tin: Nguyễn Diễm (nguồn www.binhphuoc.hi88luadao.com)