Hi88 Lừa Đảo: Trang Chủ

KỶ NIỆM 52 NĂM NGÀY MẤT CỦA ANH HÙNG, LIỆT SỸ ĐẶNG THÙY TRÂM ( 22/6/1970- 22/6/2022)

Thứ tư - 22/06/2022 21:19 330
Liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của một thế hệ cầm súng vào giai đoạn lịch sử không thể nào quên của dân tộc Việt Nam; là tấm gương cho thế hệ trẻ hôm nay, những người sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, chưa từng nếm trải trận mạc, gian khổ, mất mát và hy sinh.
Sinh ra trong một gia đình trí thức có bố là bác sĩ, mẹ là dược sỹ, Đặng Thùy Trâm tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1966. Ngay lúc đó, Thùy Trâm có thể tìm được cho mình một công việc ở Hà Nội theo đúng ngành nghề. Nhưng theo tiếng gọi cuả miền Nam ruột thịt, người con gái Hà Nội ấy đã xung phong vào miền Nam chiến đấu, nơi mà có những người dân nghèo khổ, nơi mà những chiến sỹ của ta đang chiến đấu ác liệt nhất, anh dũng nhất.
Với lý tưởng sống đã chọn, Đặng Thùy Trâm đã lao vào công việc với một nghị lực phi thường. Là người phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi - thực chất là một bệnh xá tiền phương, chị đã lăn xả vào cứu chữa thương binh, chăm sóc thương binh, tổ chức cho đơn vị di chuyển thương binh, di chuyển địa điểm để chống càn, đi công tác xuống cơ sở. Giữa một vùng đất hẹp ngập trời bom đạn và hằn dấu giày của những tên lính xâm lược, chị vẫn kiên cường bám trụ trong nhiều năm.
Nhật ký đơn thuần chỉ là ghi chép hàng ngày của mỗi người, nhưng "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" lại chất chứa biết bao tình cảm, tình yêu trong sáng, mãnh liệt và thánh thiện cho người bệnh, cho đồng chí, cho đồng bào, cho Tổ quốc. Chị đã ghi trên trang đầu cuốn nhật ký của mình những dòng nổi tiếng của văn hào N.A.Ostrotsky, thể hiện quan điểm sống và lý tưởng cách mạng của thế hệ thanh niên thời bấy giờ: “…Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, … để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Chị quan niệm “… Nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam này".
Trong nhật ký của chị có một tình yêu rộng lớn, một tình người gắn với lý tưởng sống, lẽ sống của cuộc đời chị, đó là tình cảm với nhân dân, với đồng đội. Đặc biệt, chị dành cho thương binh một thứ tình cảm như người thân ruột thịt. Chị đã cứu sống biết bao thương binh, cán bộ và nhân dân trong vùng... Nhưng chị cũng đã cắn răng bật khóc biết bao lần, tự dày vò bản thân khi có ca thương binh nặng mà với khả năng và điều kiện của bệnh xá tiền phương không thể cứu chữa. Chị viết “vừa cấp cứu cho anh nước mắt mình vừa chảy tràn trên mặt. Thương anh vô hạn, muốn tìm mọi cách cứu anh nhưng không có cách nào. Mình như một chiến sĩ hai tay đã bị trọng thương, đành nhìn quân thù vũ khí trong tay xông đến giết mình”. Và biểu hiện cao nhất của Đặng Thùy Trâm về tình đồng đội là chị xả thân, chấp nhận hy sinh khi nổ súng vào kẻ thù để bảo vệ đồng đội của mình.
Thật là thiếu sót nếu không nói về những cảm nhận của Thùy Trâm đối với tình yêu. Giữa thời bom đạn mịt mùng, ngoài tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường, tình yêu bao la dành cho đồng loại, Thùy Trâm còn có một trái tim, một trái tim biết giận hờn, biết yêu và biết khóc vì yêu. Tình yêu đó trong sáng nhưng cũng không kém phần lãng mạn, là những nhớ thương và cả những giọt nước mắt mà chị dành cho người yêu tên M. Dù bất kì ở hoàn cảnh nào thì tình yêu vẫn luôn tồn tại và tình yêu là thứ đẹp nhất mà con người có thể dành cho nhau "... anh không phải là của em, nhưng em muốn đem yêu thương xoa dịu đau đớn cho anh…”.
Ngày 22/6/1970,  bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm ngã xuống khi còn rất trẻ, khi còn biết bao ước mơ, hoài bão chưa kịp dâng hiến cho đất nước. những dòng tiếp theo trong nhật ký của chị đã vĩnh viễn không ghi được nữa.
"ĐỪNG ĐỐT. BẢN THÂN NÓ ĐÃ CÓ LỬA RỒI!"
Tháng 6/1970, khi Fredric Whitehurst, một lính Mỹ, tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi tính châm lửa đốt quyển sổ tay được bọc bằng vải, thu được sau một trận càn quét, người thông dịch của ông đã cản: "Đừng đốt. Bản thân nó đã có lửa rồi!". Nghe lời khuyên, người lính Mỹ ấy đã không đốt quyển sổ tay. Đó là cuốn nhật ký của một nữ chiến sĩ, một bác sĩ có cái tên thật đẹp: Đặng Thùy Trâm.
Những dòng chữ rực lửa trong cuốn nhật ký khiến Frideric vô cùng xúc động - mặc dù anh chỉ được nghe qua lời dịch vội. Đó là những dòng chất chứa căm thù đối với quân Mỹ và cả những dòng chữ đầy yêu thương, hi vọng. Anh không hiểu nổi bắt nguồn từ đâu mà một người con gái có thể nhìn thấy cái đẹp của màu xanh giữa chiến trường mịt mù bom đạn, vì sao cô ấy có thể nghe nổi bản giao hưởng êm đềm khi quân Mỹ gần như luôn bám sát sau lưng. Nó khiến anh vô cùng ngạc nhiên và đặc biệt cảm phục. Và “Ngọn lửa” ấy đã dẫn Fredric và người anh trai là Robert Whitehurst (cũng là một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam) làm một cuộc hành trình vượt đại dương, tình nguyện đưa nhật ký của Đặng Thùy Trâm về với gia đình chị.
Năm 2005, sau 35 năm lưu lạc trên đất Mỹ, cuốn nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã trở về Việt Nam trong vòng tay yêu thương của người thân, bạn bè. Từ khi cuốn nhật ký được biết đến, đã có biết bao cuộc vận động, bao phong trào ý nghĩa được phát động để người trẻ hôm nay học tập và noi gương người con gái Hà Nội kiên cường, bất khuất.
Đặc biệt, cuốn nhật ký được dịch ra khoảng 20 thứ tiếng; góp phần giúp độc giả khắp thế giới thấy được những năm tháng chiến tranh ác liệt mà dân tộc ta đã phải trả bằng máu xương để có nền hòa bình độc lập ngày hôm nay. Cuốn Nhật ký cũng chính là cảm hứng để NSND Đặng Nhật Minh xây dựng bộ phim chính kịch lịch sử “Đừng đốt” làm xúc động lòng người trong và ngoài nước.
Kỷ niệm 52 năm ngày mất của Anh hùng, liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm  (22/6/1970 – 22/6/2022) – Biểu tượng cao đẹp thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Những trang Nhật ký của chị cách đây hơn 50 năm, đầy xúc động đã, đang và sẽ tiếp tục truyền cảm hứng tới đông đảo thanh niên, sinh viên Việt Nam thời kỳ mới – thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên 4.0./.

Nguồn tin: TH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Face PR
Hhỏi
CDS
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập45
  • Hôm nay3,347
  • Tháng hiện tại106,185
  • Tổng lượt truy cập2,967,185
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây